Tiểu sử Trần_Bá_Lộc

Trần Bá Lộc sinh tại Cù lao Giêng, lúc bấy giờ thuộc tổng An Toàn, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang; đến thời Pháp thuộc đổi thành tổng An Bình, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) trong một gia đình Công giáo. Cha ông là tú tài Trần Bá Phước, trước ở Quảng Bình, sau vì bất hòa với gia tộc, ông vào Nam mở trường dạy học tại Cù lao Giêng năm 1829. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Ở, con gái của Phó quản cơ Nguyễn Văn Thắng. Hiện phần mộ của hai ông bà vẫn còn tại cù lao này.

Năm 1859, khi Pháp tấn công Sài Gòn, Trần Bá Lộc còn đang chèo ghe từ nơi ở đến Mỹ Tho bán cá cho quân đội Pháp. Sau nhờ quen biết giáo sĩ Marc, ông hàng Pháp (1861), rồi ba tháng sau làm cai mã tà đóng tại Chợ Gạo (Mỹ Tho).

Năm 1863, ông lên chức đội nhì ở Mỹ Tho, làm cần vụ và dạy chữ Hán [4] cho tham biện Paul-Louis-Félix Philastre, người mà sau này là đồng tác giả Hòa ước Giáp Tuất (1874).

Tháng 3 năm 1864, Trần Bá Lộc lên chức đội nhất, và đến ngày 19 tháng 7 năm 1865, ông được cử làm Tri huyện Kiến Phong (sau này đổi thành tỉnh Kiến Phong và quận Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho).

Nhờ đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Trần Bá Lộc được thăng các chức: Tri phủ (1867), Đốc phủ sứ (1868), Thuận Khánh tổng đốc (24 tháng 7 năm 1886).

Khi những cuộc khởi nghĩa ở Nam KỳTrung Kỳ đã bị phá vỡ, ông về lại Cái Bè, chức danh trên bị thay là Tổng Đốc danh dự (honoraie) Cái Bè. Ngoài ra, ông còn nhận được các huy chương: Danh dự Bội tinh bạc (tháng 4 năm 1866, sau khi tham gia trận Tháp Mười, đánh Võ Duy Dương), Bắc Đẩu Bội tinh đệ tứ đẳng (15 tháng 8 năm 1868), Bắc Đẩu Bội tinh đệ tam đẳng (10 tháng 2 năm 1887),...[5]

Gần cuối đời, đó là vào những năm 1896-1897, Trần Bá Lộc cho phóng mấy con lộ ở Cái Bè, cho đào hệ thống kênh dài, tổng cộng 103 km; trong đó có con kênh dài 47 km, rộng 10 m, làm thành ranh giới giữa Vĩnh LongSa Đéc. Tháng 4 năm 1897, đích thân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xuống khánh thành và từ đó nó được gọi là kênh "Tổng đốc Lộc". Và Bá Lộc trở thành người điền chủ lớn nhất của tỉnh Mỹ Tho, khi mua lại cù lao Năm Thôn và đất ở cù lao Rồng.

Đối với những người bản xứ cộng tác với Pháp, viên Toàn quyền Paul Doumer ưu ái Bá Lộc hơn hết. Cho nên tháng 8 năm 1898, Paul Doumer cử Lộc vào Hội đồng tối cao Đông Dương, năm sau lại cho Lộc tháp tùng thăm quốc vương Xiêm La (Thái Lan). Vài tháng sau chuyến đi này, Lộc ngã bệnh nặng, biết không sống được nên Bá Lộc căn dặn con cháu chôn ở tư thế đứng. Paul Doumer có đến viếng thăm và khi Lộc mất, P. Doumer đã ra lệnh làm lễ an táng thật lớn.

Trần Bá Lộc mất ngày 26 tháng 10 năm 1899, thọ 60 tuổi.